Position hay Long, Short đều là những thuật ngữ cơ bản mà một nhà đầu tư, một nhà giao dịch cần nắm rõ khi tham gia vào bất kỳ thị trường tài chính nào. Mặc dù chúng không quá quan trọng và cũng không quá khó khăn để nắm bắt nhưng nếu không hiểu một cách chính xác và bài bản thì các bạn sẽ không nắm vững bản chất của một giao dịch mua, bán trên thị trường.
Cả 3 khái niệm Position hay Long, Short luôn đi chung với nhau và chúng liên quan đến những khái niệm cơ bản khác như Buy, Sell hay Order.
Nếu bạn đã hiểu một cách tường tận về những khái niệm này thì có thể bỏ qua bài viết sau đây, nhưng nếu các bạn chỉ đơn giản hiểu về chúng như cách các bạn tiếp thu một định nghĩa mới theo cách thức cũ: nó là gì, nó xuất hiện ở đâu trong các giao dịch… hoặc nếu bạn là một trader mới, chưa từng tiếp cận những khái niệm đó thì đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Position là gì?
Position có nghĩa là “vị thế”, cách định nghĩa mà các bạn sẽ bắt gặp ở rất nhiều nơi về thuật ngữ này chính là “tình trạng nắm giữ, sở hữu của nhà đầu tư đối với một hay nhiều loại chứng khoán trong điều kiện nhất định của thị trường, thường liên quan đến biến động giá chứng khoán”.
Cách định nghĩa này tất nhiên không sai, nó vừa bao quát nhưng lại vừa chi tiết. Chi tiết ở chỗ nó định danh rõ khái niệm Position trên thị trường chứng khoán, tổng quát ở chỗ nó định nghĩa một cách chung chung về điều kiện nhất định của thị trường (là điều kiện như thế nào, liên quan đến những yếu tố nào…?).
Chính vì cách định nghĩa như trên mà không ít người nhầm tưởng rằng thuật ngữ Position chỉ được áp dụng trên thị trường chứng khoán và vì không phân tích sâu thêm những điều kiện nhất định của thị trường nên thuật ngữ này vẫn chưa thể được hiểu đến nơi đến chốn.
Position được hiểu là vị thế hay tình trạng nắm giữ, sở hữu, sử dụng một loại tài sản nhất định của các bên tham gia vào một hợp đồng tài chính và lợi ích của họ liên quan đến biến động giá của loại tài sản đó trên thị trường.
- Tài sản nhất định: nếu là thị trường chứng khoán thì sẽ là cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh…, nếu là thị trường forex thì sẽ là các cặp tiền, chỉ số, hàng hóa, cổ phiếu…, nếu là thị trường tiền điện tử thì sẽ là các loại coin/token, nếu là thị trường bất động sản thì là nhà cửa, đất đai…
- Tình trạng nắm giữ, sở hữu, sử dụng: nếu là thị trường chứng khoán thì sẽ là nắm giữ hoặc sở hữu, nếu là thị trường forex thì sẽ là “không thật sự sở hữu”, nếu là thị trường bất động sản cho thuê thì sẽ là nắm giữ, sở hữu, sử dụng (tùy thuộc vào quyền lợi của mỗi bên)
- Các bên tham gia: được hiểu là người mua, kẻ bán.
- Hợp đồng tài chính: trên thị trường chứng khoán hoặc forex, khi các bạn đặt lệnh mua hay bán một loại tài sản tức là các bạn đang tham gia vào một hợp đồng tài chính, hợp đồng này được chuẩn hóa theo quy định và có những yếu tố như giá tài sản, ngày mua bán, số lượng mua bán…
- Biến động giá: quy luật tìm kiếm lợi nhuận trên các thị trường tài chính đều phụ thuộc vào sự biến động giá (tăng hay giảm) của tài sản trên thị trường.
Ví dụ về Position trên các thị trường tài chính:
- Thị trường chứng khoán
Trên thị trường chứng khoán hay forex thì cách thức để các bạn mua, bán tài sản chính là đặt lệnh hay Order. Có 2 lệnh Mua (Buy) hoặc Bán (Sell).
Khi các bạn đặt lệnh Buy 1000 cổ phiếu ABC với mức giá là 123,000 VND, thì lúc này, Position của bạn chính là vị thế của bên mua hay vị thế mua. Khi lệnh được khớp hay được kích hoạt tức là bạn đã chính thức tham gia vào một hợp đồng mua bán cổ phiếu với bên bán (người ở vị thế bán) là một nhà đầu tư nào đó trên thị trường, người này đã đồng ý bán 1000 cổ phiếu ABC đó cho bạn với mức giá mà bạn yêu cầu.
Sau khi hoàn thành giao dịch, cổ phiếu từ người bán sẽ chuyển vào tài khoản của bạn và tiền của bạn sẽ chuyển ngược vào tài khoản của người bán. Điều này có nghĩa là bạn chính thức trở thành người sở hữu mới của 1000 cổ phiếu ABC và bạn đang thực sự nắm giữ nó trong tài khoản của mình.
- Trên thị trường forex
Khi các bạn đặt lệnh Buy 1 lot cặp XAU/USD (Vàng) với tỷ giá 1880.34 thì Position của bạn là vị thế mua. Khi lệnh được khớp thì bạn đã chính thức tham gia vào một hợp đồng chênh lệch giá (CFD) với vị thế bán đối ứng là một nhà đầu tư nào đó trên thị trường. Nhưng điểm khác biệt của forex so với chứng khoán chính là sự tương đối của các khái niệm mua, bán. Khi đặt lệnh Buy XAU/USD, nghĩa là bạn đang mua vàng bằng đồng USD, người có vị thế bán đồng ý bán cho bạn, nhưng ở đây, người bán không thật sự sở hữu vàng để chuyển vào tài khoản cho người mua mà là 2 người đang đánh cược sự biến động giá của vàng. Bạn đang dự đoán giá của vàng sẽ tăng trong khi người ở vị thế bán đang dự đoán ngược lại, nếu ai đoán đúng thì tiền sẽ chuyển từ tài khoản của người thua về tài khoản của người thắng.
Long, Short là gì?
Long Position là gì?
Long hay Long Position là vị thế mua. Trong hợp đồng tài chính thì bạn là bên mua, nhưng vì khái niệm mua là khác nhau trên các loại thị trường (như đã phân tích ở các ví dụ trên) nên người ta dựa vào động cơ của nhà đầu tư để định nghĩa cho khái niệm này.
Long Position là vị thế của bên tham gia vào thị trường với kỳ vọng giá của tài sản sẽ tăng lên.
Người ở vị thế Long Position cho rằng giá của cổ phiếu sẽ tăng lên trong tương lai, nên quyết định mua cổ phiếu bây giờ với giá thấp, sau đó bán ra với mức giá cao hơn như kỳ vọng. Sự chênh lệch giá giữa lúc mua và bán (không tính chi phí giao dịch) chính là lợi nhuận của họ.
Hay trên thị trường forex, người mở vị thế Long Position kỳ vọng giá của tiền tệ sẽ tăng lên trong tương lai, họ đặt lệnh mua (mở lệnh) trên thị trường như một sự đánh cược cho dự đoán của mình. Khi giá thật sự tăng lên, họ đóng lệnh, thao tác này đồng nghĩa họ đang bán tiền tệ với mức giá cao hơn để chốt lời, nhưng thật sự thì không có hoạt động mua, bán thực sự như thị trường chứng khoán.
Short Position là gì?
Short hay Short Position là vị thế của bên tham gia vào thị trường với kỳ vọng giá của tài sản sẽ giảm xuống.
Short Position trên thị trường chứng khoán là người đang thực sự sở hữu cổ phiếu trong tài khoản nhưng họ cho rằng giá của cổ phiếu này sẽ giảm xuống trong tương lai, nếu giữ lại, cổ phiếu của họ sẽ rớt giá, giá trị thực của tài khoản giảm xuống nên họ quyết định bán cổ phiếu đi. Nếu sau đó giá cổ phiếu giảm xuống như kỳ vọng, họ sẽ mua lại số cổ phiếu đó, lúc này, cũng sở hữu một lượng cổ phiếu như ban đầu nhưng tài khoản của họ dư ra một khoản tiền mặt, chính là chênh lệch giữa giá cổ phiếu khi bán đi trước đó và mua lại sau này, Short Position đã mang lại cho họ lợi nhuận.
Mối quan hệ giữa Long Position và Short Position
Là 2 vị thế đối nghịch nhau trong một hợp đồng tài chính.
Trên thị trường chứng khoán, khi người A đặt lệnh Buy, hợp đồng giao dịch được mở, A lúc này đang ở vị thế Long, khi lệnh được khớp, phía đối ứng là B ở vị thế Short. Khi giá tăng như kỳ vọng của A, để chốt lợi nhuận, A bán cổ phiếu bằng cách đặt lệnh Sell, A lúc này trở thành Short Position, đối ứng với A có thể vẫn là B nhưng cũng có thể sẽ là một nhà đầu tư khác.
Trên thị trường forex, khi A muốn chốt lời, A phải đóng lệnh, động thái đóng lệnh của A cũng giống như mở một lệnh Sell, tức là bán ra nhưng phía đối ứng vẫn là B.
Long Position và Short Position đối với hợp đồng quyền chọn
Trước khi đi vào tìm hiểu phần này, các bạn có thể tham khảo bài viết sau để hiểu rõ hơn về hợp đồng quyền chọn: Hợp đồng quyền chọn (Option contract) là gì?
Khi nhà đầu tư sử dụng hợp đồng quyền chọn để thực hiện quyền lợi mua, bán tài sản cơ sở thì khái niệm ý nghĩa của Long Position và Short Position sẽ khác đi. Lợi nhuận hay thua lỗ của việc sử dụng hợp đồng quyền chọn cũng dựa trên biến động giá của tài sản cơ sở nhưng kỳ vọng của nhà đầu tư về giá cả của chúng trên 2 vị thế Long, Short phức tạp hơn, không đơn thuần Long Position là kỳ vọng giá tăng còn Short Position là kỳ vọng giá giảm nữa.
Khi các bạn Mua Call Option (quyền chọn mua) hay Put Option (quyền chọn bán), thì các bạn đang ở vị thế Long Position. Nhưng kỳ vọng về giá của tài sản cơ sở khi quyết định nắm giữ Call Option và Put Option là khác nhau. Vị thế Long của Call Option là kỳ vọng giá tài sản cơ sở tăng vì bạn sẽ có quyền được mua tài sản cơ sở từ người đang nắm giữ vị thế Short với mức giá ấn định trước, nhưng vị thế Long của Put Option là đang kỳ vọng giá tài sản cơ sở sẽ giảm vì bạn có quyền bán tài sản cho người đang nắm giữ vị thế Short với mức giá được ấn định trước.
Ngược lại, khi Bán Call Option hay Put Option thì các bạn đang ở vị thế Short Position. Vị thế Short của Call Option đang kỳ vọng giá tài sản cơ sở giảm vì họ có nghĩa vụ phải bán tài sản cho người đang nắm giữ vị thế Long với mức giá ấn định trước, nhưng vị thế Short của Put Option lại đang kỳ vọng giá tài sản cơ sở tăng vì họ có nghĩa vụ phải mua lại tài sản cơ sở từ người đang nắm giữ vị thế Long với mức giá ấn định trước.
Các chiến lược sử dụng vị thế Long, Short Position đồng thời
Trên các thị trường tài chính, nhà đầu tư, nhà giao dịch thường sử dụng đồng thời cả 2 vị thế mua (Long Position) và vị thế bán (Short Position) để đạt được các mục đích khác nhau như phòng ngừa rủi ro, đầu cơ chênh lệch giá, gia tăng lợi nhuận…. Và mục đích thường gặp nhất chính là phòng ngừa rủi ro. Đầu cơ chênh lệch giá hay gia tăng lợi nhuận đòi hỏi cần nhiều kỹ thuật giao dịch, độ am hiểu cao về thị trường.
Trên thị trường forex, mục đích chủ yếu để các nhà giao dịch mở đồng thời 2 vị thế mua, bán trên cùng một tài sản là để phòng ngừa rủi ro, tức là đặt lệnh Buy, Sell trên cùng một cặp tiền tệ. Khi giá đã đi theo hướng nào đó rõ ràng thì họ sẽ đóng một lệnh và giữ lại một lệnh.
Đa số các sàn forex hiện nay đều cho phép trader hedging trên các nền tảng MT4 hoặc MT5.
Trên thị trường chứng khoán, việc kết hợp này có nhiều mục đích khác nhau, trong đó, phòng ngừa rủi ro và đầu cơ chênh lệch giá là 2 mục đích thường được nhà đầu tư thực hiện nhất. Việc kết hợp 2 vị thế Long, Short cùng lúc phức tạp hơn rất nhiều, và công cụ được nhà đầu tư sử dụng nhiều nhất chính là hợp đồng quyền chọn.
Long Position trên cổ phiếu được phòng ngừa bằng Short Position trên Call Option
Đây là một trong những chiến lược phòng ngừa rủi ro phổ biến của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy chiến lược này không giúp nhà đầu tư loại bỏ hoàn toàn rủi ro nhưng nó sẽ làm giảm bớt thiệt hại của việc nắm giữ cổ phiếu khi thị trường giảm giá.
Chiến lược này được thực hiện như sau: mua cổ phiếu và bán quyền chọn mua cổ phiếu, với số lượng quyền chọn được bán phải bằng với số cổ phiếu đã mua.
Gọi:
- S0: là giá cổ phiếu đã mua vào
- X: giá thực hiện của Call Option
- ST: giá cổ phiếu tại thời điểm đáo hạn
- c: phí quyền chọn
Lợi nhuận từ việc nắm giữ Long Position trên cổ phiếu: P = ST – S0
Lợi nhuận từ việc nắm giữ Short Position trên Call Option: P = Max (c, ST – X)
Tại thời điểm đáo hạn của Call Option, nếu:
Giá cổ phiếu khi đáo hạn thấp hơn giá thực hiện (ST <= X), người đang nắm giữ vị thế Long Position hay người mua quyền chọn sẽ không thực hiện quyền, lúc này, các bạn sẽ có lợi nhuận từ việc bán Call Option, chính là phí quyền chọn. Tổng lợi nhuận từ cả 2 vị thế Long và Short: P = ST – S0 + c.
- Nếu giá cổ phiếu khi đáo hạn lớn hơn giá lúc mua (ST > S0) thì lợi nhuận sẽ tăng theo mỗi đơn vị mà ST > S0.
- Nếu ST < S0 thì vị thế Long Position trên cổ phiếu bị thua lỗ nhưng lợi nhuận từ vị thế Short trên Call Option (c) sẽ bù đắp được phần nào thua lỗ đó.
Giá cổ phiếu cao hơn giá thực hiện (ST > X), các bạn sẽ phải bán cổ phiếu theo như cam kết trong hợp đồng, lúc này, vị thế Long trên cổ phiếu chắc chắn có lợi nhuận nhưng lợi nhuận này sẽ bị giảm đi vì khoản thua lỗ từ vị thế Short trên Call Option. Lợi nhuận sẽ không bị ảnh hưởng bởi giá cổ phiếu khi đáo hạn. P = ST – S0 – (ST – X) + c = X – S0 + c
Biểu đồ minh họa lợi nhuận cho chiến lược này:
Long Position kết hợp với Short Position trên Call Option
Đây là chiến lược đầu cơ chênh lệch giá bằng hợp đồng quyền chọn.
Chiến lược này được chia thành 2 loại: đầu cơ chênh lệch giá lên và đầu cơ chênh lệch giá xuống.
Chiến lược đầu cơ chênh lệch giá lên được thực hiện khi nhà đầu cơ kỳ vọng giá sẽ tăng lên vừa phải trong tương lai: mở vị thế Long Position trên Call Option 1 (mua Call Option 1), đồng thời mở một Short Position trên Call Option 2 (bán Call Option 2). 2 Call Option này có cùng tài sản cơ sở, cùng ngày đáo hạn nhưng giá thực hiện của Call Option 2 cao hơn giá thực hiện của Call Option 1.
Với chiến lược này, nhà đầu cơ sẽ chỉ bỏ ra một số vốn nhỏ ban đầu là (c1 – c2). Nếu giá tăng lên như kỳ vọng thì nhà đầu cơ sẽ có lợi nhuận, ngược lại, thua lỗ chính là số vốn đã bỏ ra ban đầu.
Chiến lược đầu cơ chênh lệch giá xuống, được thực hiện khi nhà đầu cơ kỳ vọng giá sẽ giảm xuống vừa phải trong tương lai: mở vị thế Long Position trên Call Option 1, đồng thời mở vị thế Short Position trên Call Option 2 với tài sản cơ sở như nhau, ngày đáo hạn như nhau nhưng giá thực hiện của Call Option 2 thấp hơn giá thực hiện Call Option 1.
Nhà đầu cơ sẽ có được lợi nhuận ngay từ ban đầu, chính là (c2 – c1). Nếu giá giảm xuống như kỳ vọng, nhà đầu cơ sẽ có được lợi nhuận chính bằng khoản lợi nhuận ban đầu đó, ngược lại sẽ thua lỗ một khoản có giới hạn.
Cả 2 chiến lược này, nhà đầu cơ sẽ không cần phải thực sự sở hữu cổ phiếu trong tài khoản mà vẫn có khả năng kiếm được lợi nhuận từ một số vốn ban đầu nếu như dự đoán đúng xu hướng của thị trường.
Chiến lược đầu cơ chênh lệch giá bằng Call Option được chúng tôi trình bày rất chi tiết trong bài: Hợp đồng quyền chọn (Option contract) là gì?, các bạn có thể tham khảo thêm.
Kết luận
Nếu không đi sâu tìm hiểu thì các bạn sẽ thấy các khái niệm Position hay Long, Short rất đơn giản, nhưng để nắm rõ bản chất và ý nghĩa của nó thì không phải dễ. Nắm vững được bản chất, các bạn sẽ có thể hiểu và áp dụng chúng trên bất kỳ loại thị trường nào, trên bất kỳ loại tài sản nào. Điều này giúp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của bạn được hiệu quả hơn.
Không chỉ riêng Position hay Long, Short mà tất cả những thuật ngữ khác trên các thị trường chứng khoán, forex, các bạn cần phải tìm hiểu một cách sâu sắc để nhìn nhận chúng một cách chính xác nhất, có như vậy, các bạn sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị từ những điều tưởng chừng như đơn giản này.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.